22 thg 7, 2010

Chuyện đàn bà

Lâu lâu thay đổi không khí, post vài truyện ngắn, bài thơ hoặc nhạc cho blog thêm phong phú, chứ không thì blog phủ rêu xanh :D
.

Chuyện đàn bà
.
1. Người ta thống kê chuyện được đọc nhiều nhất trên mạng gần đây là chuyện cô diễn viên B tự nhiên... có bầu. Dư luận, cụ thể là một bà hàng xóm cũ của cô lanh miệng nói với báo đã từng chứng kiến cô này cặp kè với một ca sĩ.
Bà kể bằng giọng nào chẳng biết, nhưng lúc viết lên thì thấy như tiểu thuyết, rằng hai người yêu nhau nồng cháy thế nào, giận hờn bao nhiêu bận, được lồng trong chi tiết “từng ở chung nhà”.
Anh chỉ đọc tin này khi đám nhân viên đã đi ăn trưa, vì thường chúng nó có thể soi thấy cái màn hình máy tính của anh, cũng như anh có thể thấy chúng làm gì trên máy tính trong giờ làm việc. Chúng mà biết sếp cũng quan tâm đến chuyện chồng của diễn viên thì còn gì tư cách nói những chuyện trọng đại như chiến lược, kế hoạch...
Chúng biết anh không ưa tụ tập trong giờ làm việc, nên đã cố tránh bằng cách bàn chuyện diễn viên ở nhà vệ sinh. Anh làm sao mà không biết được cái sự nhiều chuyện lòi ra mặt của đám đàn bà. Chúng nó lần lượt từng đứa đi vệ sinh, đến khi văn phòng chỉ còn mình anh với tiếng máy lạnh chạy e e thì từng đứa từng đứa trở vào, ngồi xuống với một cái vẻ hớn hở mà tiểu tiện hay đại tiện đều không thể làm cho chúng được như thế.
Ngồi làm việc cạnh đám này đúng là một cực hình. Nhưng anh chẳng có lý do gì để phản đối. Công việc anh giao chúng chẳng khi nào hoàn thành trễ. Kể cả mấy bài tập nghiên cứu để nâng cao nghiệp vụ anh giao tuần tám lần chúng cũng hoàn thành chỉ trong chừng ba ngày là cùng. Đám này thật dễ sợ, ngày xưa chúng nó mà làm con Tấm thì đố bà dì ghẻ nào hại không cho đi hội được.
Tất nhiên, chẳng thể bảo chúng nó đừng quan tâm đến chuyện chồng con của cô diễn viên kia. Như thế thì không thành đàn bà.
Anh đọc bài báo “Bà hàng xóm kể chuyện cha đứa nhỏ trong bụng diễn viên B” qua ngòi bút nhiệt thành của phóng viên báo mạng. Bài anh chồng vì vợ phải lên báo nói “tôi mới là chồng đây, nói như thế là bậy”. Một bài báo khác giúp anh chồng thêm thông tin về vợ có tựa đề “Hồ sơ tình án của diễn viên B”, kể chuyện hồi xưa cô này với một anh đại gia bây giờ đang trong tù. Chỉ cần lướt mạng năm phút thôi thì đủ cả các tình tiết, hình ảnh, cả các bình luận từ thương cảm, trách móc đến chửi rủa.
Đọc mà thấy ngán ngẩm. Mấy anh bồ rơi rụng kia, cái bầu kia cứ như là những sự kiện văn hóa cần được khai thác và tôn vinh vậy.
Cùng thời điểm, theo anh đánh giá, chuyện của B có vẻ nóng chẳng thua gì cái tin toàn cơ quan được lên lương. Đám trong văn phòng thì chẳng nói làm gì, cả lao công đến đầu bếp, kế toán đến thủ kho... đều chung mối quan tâm bất tận về B. Như thể cô là bạn thân của họ, chỉ mới hôm qua còn dùng cơm trưa với nhau.
Anh khó chịu ra mặt.
Rồi không thể không điên lên được khi đang lúc cơm chiều mà anh cũng bị chị hỏi “ý kiến của anh về chuyện này thế nào?”. Anh im lặng, như cái cách phản ứng trong bất kỳ cuộc nói chuyện nào với vợ.
Anh tiếp tục công việc của mình: ăn. Ăn như vẫn ăn, không âm thanh, không bày tỏ cho thấy thức ăn ngon hay dở.
Chị gắp cho anh một miếng cá to nhất, chậm rãi, ý chừng muốn nhắc lại câu hỏi. Anh vẫn nhai tất cả những gì chị nấu, có tăng thêm cái phần chóp chép trong miệng, ý muốn nói câu trả lời đó: chóp chép, chóp chép.
Chị chẳng biết có hiểu được chuyện này? Hay là cố ý thăm dò phản ứng nơi anh? Một lúc sau, vặn nhỏ tivi lại, nhìn anh, lặp lại: “Sao anh?”.
Cơm đã chan canh cho dễ nuốt rồi mà anh vẫn bị nghẹn ở cổ. Những khó chịu chất chứa ở bụng cả ngày được dịp dồn lên não, đi ngang mấy hột cơm ở cổ, đẩy chúng văng ra ngoài miệng một cách tức tưởi. Anh nhìn thẳng vào chị, mắt nhướng lên, hít sâu, nói như chuẩn bị ký đơn ly dị đến nơi: “Đời có khối gì chuyện lo, sao mở miệng ra toàn những thứ không đâu vậy?”.
Đũa dộng xuống bàn. Chị cúi mặt, dọn cái chén vỡ ra từng mảnh và đống cơm trắng xóa trên nền nhà. Cũng như hàng triệu sự kiện diễn ra trong cái nhà này, chị thấy mình nên im lặng.
.
2. Chị nghĩ anh đúng. Thật ra, cái chị nên quan tâm là giá gạo, giá rau, giá cá... Mấy chuyện này thật sự làm chị đau đầu hơn vì nó cứ tăng vùn vụt hằng ngày. Làm sao để với tiền của chồng đưa về chừng đó hằng tháng mà vẫn đảm bảo phần ngon, phần dinh dưỡng, phần vệ sinh... và hàng trăm phần khác nữa mà mấy đứa con léo nhéo bên tai mỗi bữa cơm chiều.
Nhưng vụ cô diễn viên kia đang “hot” quá, từ cô giáo của thằng con đến mấy bà bán cá cũng bàn. Gặp chị, ai cũng nói. Một lần thì bỏ qua được, hai lần cười trừ cũng xong, nhưng đến lần thứ ba không phản ứng gì thì thành bất lịch sự.
Thật ra, chị thấy họ không chăm bẳm vào chuyện cô yêu ai, lấy ai. Họ quên chi tiết về bồ, chồng ngay sau lần bàn đầu tiên, nhưng còn ức việc “được cái gì mà lại đi kể một chuyện quá khứ chẳng hay ho gì trong lúc người ta đang mang một đứa con trong bụng?”, “rồi đứa nhỏ trong bụng sẽ thế nào khi mẹ nó buồn rầu, trầm cảm?”...
Chị nhớ hình ảnh của bà bán thịt chặt phăm phăm vào cái giò trước của con heo, nghiến răng trèo trẹo: “Tao chỉ muốn băm nhỏ con mẹ nhiều chuyện và đám phóng viên bất nhân kia”.
Nhưng chỉ là nói với nhau như thế thôi, chứ chị em ta đầu tắt mặt tối, không như chị em bên Tây bên Tàu ngồi viết những bài dài thòn lòn gửi báo gửi chí, gửi hội phụ nữ, rồi còn rảnh rang tổ chức biểu tình để đòi quyền lợi cho phụ nữ.
Nghe chồng nói, đêm nằm chị gác tay lên trán nghĩ: đúng là mình luẩn quẩn trong cái vùng ngồi lê đôi mách của đàn bà. Không tiến bộ được.
Từ việc chỉ biết sống ở trong nhà của chị mà ra. Trong khi có hàng trăm, hàng triệu phụ nữ ngoài kia đã vươn ra xã hội giữ chức này chức nọ, nhận bằng giỏi việc nước đảm việc nhà, phụ nữ duyên dáng, phụ nữ thành đạt, vân vân, thì chị lại èo uột, chán chường như một cô đầy tớ của chồng con. Chị chẳng tin ai giỏi việc nước mà đảm việc nhà, nhưng thấy người ta nhận bằng khen nườm nượp thì cũng đâm ra nghi ngại mình. Chẳng biết từ bao giờ chị chỉ là người đàn bà đi từ chợ về nhà, từ bếp lên phòng khách, từ phòng khách vào phòng ngủ. Một chu trình khép kín đáng sợ.
.
3. Sáng bật dậy, chị lò dò lên máy tính của con trai. Nó hào phóng mở giùm cho mẹ mấy trang báo mạng rồi mới đi học.
Chị ngồi một mình trong căn nhà của mình. Bao nhiêu năm rồi, thấy thế giới lại mở ra trước mắt...
Mà sao lại toàn là những nỗi buồn? Nỗi buồn của phường, của xã, của tỉnh, của thành phố, của đất nước, của thế giới. Có quá nhiều chuyện thương tâm không thể tưởng tượng được trên đời. Bao lâu nay người ta giấu? Hay vì chính chị chẳng có cơ hội để biết? Ôi, những tờ báo dành cho phụ nữ anh mua về hóa ra lại là nơi làm hại phụ nữ nhiều nhất. Còn gì nữa, trên mấy trang báo đầy màu sắc kia phụ nữ hết bị dúi vào bếp đến bị đè vào phòng ngủ, hết vẫy vùng trong quần quần áo áo đến ngập ngụa trong nồi nồi chảo chảo...
Chuyện của cô diễn viên kia thật ra chỉ như một vết sướt so với một biển cả những vết thương từ dao, búa... của cuộc đời này. Càng đọc càng buồn. Và chán mình nữa. Vì bây giờ chị chỉ biết buồn thôi chứ chẳng nảy ra được cái ý gì hay ho để bàn chuyện đại sự. Chị là đàn bà mà. Đàn bà của chị là lo cái nhà thơm, mát, ngăn nắp, với một ông chồng và hai đứa con không ốm, không đau. Cùng lắm là lo cho cô diễn viên kia cớ sao đang mang thai mà vẫn bị người ta rắp tâm hại? (mà chẳng biết làm gì cho cô).
.
4. Thời may, có một sự kiện làm thay đổi cục diện. Dư luận lại như một bầy ong, có bông hoa mới để hút mật. Chị nhận ra một bí quyết để mình không còn tầm thường nữa. Sự kiện đó không gì khác hơn là.... World Cup.
Chị thấy đó là mối quan tâm của cả thế giới hiện đại ngày nay, cứ như chiến dịch vậy: chiến dịch vệ sinh môi trường, chiến dịch chống thuốc lá... ai cũng hưởng ứng. Đặc biệt, ai quan tâm đến chuyện này thì sẽ chẳng bị cho là đàn bà nữa. Tất nhiên rồi, khi ấy đàn bà đã ngồi chung chiếu với đàn ông, hể hả hưởng chung một mối quan tâm với cha, với chồng. Bình đẳng giới quá dễ dàng, chẳng cần phải tốn công đi đấu tranh gì nữa như mấy bà nhà văn, mấy bà ở hội phụ nữ này nọ vẫn làm. Đó là phép nhiệm mầu của môn thể thao vua.
Chị sung sướng nghĩ: “Đổi đời rồi!” (biết thế, yêu bóng đá từ các mùa giải trước như hàng triệu phụ nữ cấp tiến khác).
Nào phải mình chị ngộ ra điều này, đám đàn bà cùng đi chợ sáng cũng lo mua mì gói, mua bia, mua lương khô về trữ trong nhà, để cùng chồng nhâm nhi lúc khuya trong mùa bóng đá. Đàn bà tiến bộ hơn nữa thì thay chồng dán lịch thi đấu lên tường, vào đúng cái chỗ dễ quan sát nhất trong nhà. Đi dọc ngoài chợ đã thấy chị em thay vì bàn chuyện rau, cá, mắm, muối... thì đã có chiều hướng râm ran thế nào việt vị, phạt góc, phạt đền...
Chị phải hơn thế. Chồng chị là một người yêu bóng đá như hơi thở của mình. Muốn ngồi cùng chiếu với anh thì phải tập quen cả tên cầu thủ, biết thế mạnh từng người.
Ôi! Chuyện dễ như nấu cơm. Chị từng là trò giỏi của cái nền giáo dục học thuộc lòng mà. Báo mạng đầy ra. Chị chẳng những biết tên của một đám đàn ông xanh đỏ tím vàng trên sân cỏ mà còn biết được chuyện ông trọng tài người Ý xuất sắc nhất mọi thời đại là một người không có tóc nữa kìa. Nói chung là dễ. Cả thế giới này đang hỗ trợ chị: tin nhắn mời gọi tra thông tin qua điện thoại, báo chí bóng đá chồng mua về, tivi ra rả ngày đêm...
.
5. Anh ngồi cùng một đám bạn, bia trước mặt, mồi bên cạnh, tivi trên đầu. Chị ngồi cạnh anh, chăm chút với từng mối quan tâm, biết banh nằm ở đâu, mồi hết khi nào.
Trải qua vài trận đầu mùa bóng, nhiều lúc mấy cha bạn chả thèm bàn với anh, quay sang nói chuyện với chị, ra nhiều thông tin hay ho hơn. Anh làm sao mà biết được cái thằng Christiano Ronaldo lắm tài nhiều tật cặp với bao nhiêu cô chân dài, cô nào từng cặp với tài tử nào...?
Chồng nhìn cái cách chị là chủ tọa trong mỗi trận đấu. Nhìn rất kỹ và cuối cùng cũng phát hiện ra vợ có thể giấu đi sự đam mê thật sự với bóng đá, giấu đi cái vẻ chán ghét nhậu nhẹt... bằng cái miệng cười tươi, lúc nào cũng nói, nhưng chẳng thể giấu được những cái ngáp dài và đôi mắt cố mở thao láo vào những trận đấu khuya.
Anh nói nếu chị buồn ngủ thì cứ đi ngủ với con. Sòng nhậu anh tự lo được.
Chị cười, không nói gì. Vẫn ngồi đấy cùng chồng. Nhưng những trận sau đó thì thấy chị giảm nói và có lúc im lặng hẳn. Đám đàn ông không ai giải thích được.
Thật ra chị không xem bóng đá nữa. Chị xem anh và mấy ông bạn. Họ kịch liệt cãi nhau cầu thủ có việt vị hay không? Tỉ số trận đấu bao nhiêu? Nằm kèo trên hay kèo dưới?... Cãi xong thiếu điều cầm chai lên mà đập vào đầu nhau.
Đám cầu thủ chắc chẳng biết mình đang đá vì sĩ diện của anh, đá vì hạnh phúc gia đình chị, thành ra thua thì cùng lắm họ chỉ gục đầu, nhún vai trên sân. Yếu đuối lắm là rớt nước mắt, chứ không anh nào nhào vào mà cấu nhau như mấy anh bạn của chồng.
Trong lúc đám đàn ông cãi nhau, chị tự tìm đến một niềm vui lặng lẽ hơn: ủng hộ mấy anh đẹp trai, sexy. Ôi! Toàn “hàng tuyển” từ Pháp, Ý, Hà Lan... Đời có mấy khi được ngắm trai, xuýt xoa công khai mà được chồng ủng hộ như thế? Thỉnh thoảng chị còn được dịp biểu lộ tình cảm, thấy trai té lộn đầu lộn cổ mình cũng được đau lòng giùm mà chẳng ai nói chị dở hơi.
Cuối mỗi trận, chị cũng chưa đi ngủ vội dù sáng mai phải dậy sớm đi chợ, nấu cơm. Đám bạn chồng về rồi, chị quyết định sẽ nhậu với chồng để an ủi những cơn thất vọng não nề hay đồng cảm cùng những nỗi vui sướng điên loạn của anh.
Người anh bèo như một cái nùi giẻ khi thần tượng Cameroon, Hi Lạp lại bị Nhật, Hàn Quốc hạ dễ dàng. Lại chuyện Ý, Pháp bị loại thì trông anh chẳng còn chút sức sống nào. Anh than vãn những con cá của anh không khéo bị lũ kiến hôi nuốt mất thôi. Và anh hét muốn vỡ nhà, ôm chị nhảy cẫng lên khi Hà Lan hạ gục nhiều đối thủ nặng ký.
Chị nhận ra cái hay của bóng đá: cay đắng, vinh quang nào chỉ có diễn ra với người trong sân cỏ, nào chỉ diễn ra giữa những người đàn ông với nhau?
Chỉ là cái tính đàn bà, chị đang lo xa sau mùa bóng này làm sao để anh có thể biểu lộ nhiều cảm xúc trong ngôi nhà của mình như thế? Vui cũng được, buồn cũng được, nhưng không phải là một cái xác khô chỉ biết ăn, ngủ và tuần vài lần quay người chị lại hùng hục “thụ phấn”.
Chị em ngoài chợ có được kinh nghiệm từ những anh chồng mê bóng đá bày cho chị phải khuyến khích chồng coi bóng đá thêm vào. Anh nhà tiếng là yêu bóng đá nhưng còn ít đam mê thật sự. Ở Việt Nam mình mùa nào chẳng có bóng đá. Hết World Cup còn có C1, C2 châu Âu. Hết nước ngoài thì về đến trong nước có giải hạng nhất, hạng nhì...
Có bà vỗ vai chị cười xòa: “Trị đàn ông là chuyện vặt. Lo gì!”.
.
Truyện ngắn của ĐỖ DUY
.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét